Nên hay không nên cho tiền ăn xin?
15:46Cho tiền ăn xin – nên hay không?
Chúng ta có nên cho tiền những người ăn xin không? Nên………nhưng cũng không nên. Khi nói đến vấn đề này thì hầu hết chúng ta đều dùng cảm xúc, tôi thì không. Tôi nhìn về vấn đề này một cách logic. Vậy tác dụng và tác hại của việc cho tiền ăn xin là gì?
VẤN ĐỀ VỚI ĂN XIN
Ở khắp nơi trên đường phố Việt Nam bạn đều có thể thấy vô số người ăn xin. Ăn xin ở đây là một người hoặc một nhóm người ngồi không hoặc đi lòng vòng xin tiền người khác. Nghĩa là không sản xuất ra một dịch vụ hay sản phẩm gì mà chỉ muốn sự bố thí của người khác. Cũng giống như kêu huy động tiền từ thiện, nó hoàn toàn phụ thuộc vào lòng hão tâm của người cho. Nhưng vấn đề là gì?
Vấn đề ở đây là hầu hết những người ăn xin đều chọn những địa điểm đông người qua lại, chỗ nào và thời điểm nào càng đông người thì họ càng xuất hiện thường xuyên và lâu hơn. Đa số trong số họ làm việc rất chuyên nghiệp, có tổ chức và rất biết đánh vào tâm lý công chúng. Nhưng đó cũng chưa là vấn đề. Vấn đề ở đây là họ có tay có chân đầy đủ nhưng sao không đi làm? Trong khi tất cả chúng ta đều phải đi làm, sao họ không làm điều tương tự? Không lẽ họ coi ăn xin là một cái nghề? Vậy lòng tự trọng của họ đâu?
NẾU BẠN KHÔNG CHO TIỀN NGƯỜI ĂN XIN
Nếu bạn không cho thì sao? Bạn cảm thấy áy náy và bối rối, vì cảm thấy như mình đang làm gì đó có lỗi với đời. Tôi thì không nghĩ vậy. Giả sử nếu bạn không cho tiền người ăn xin, ví dụ 100đ, bạn có thể lấy 100đ để làm những chuyện khác mà tác động của nó sẽ tích cực và bền vững hơn trong dài hạn.
Bạn có thể lấy 100đ đi ăn ở một cái quán nào đó, cái 100đ bạn dùng để mua đồ ăn sẽ được trả lương cho nhân viên và giúp họ duy trì hoạt động kinh doanh tự chủ của mình. Bạn có thể lấy 100đ đó và đầu tư, biến 100đ đó thành 200đ. Bạn có thể góp nó vào 1 quỹ học bổng, giúp tạo điều kiền để xây dựng nguồn nhân lực. Hoặc bạn có thể giữ lại 100đ đó là tích lũy cho sau này.
TÁC ĐỘNG CỦA VIỆC CHO TIỀN NGƯỜI ĂN XIN
Nếu bạn cho tiền người ăn xin, ví dụ 100đ, thì bạn đang cho người ăn xin 100đ mà không cần nhận lại cái gì. Bạn cảm thấy rất đạo đức và sung sướng vì nghĩ rằng mình đã làm gì đó cho xã hội tốt hơn. Người ăn xin lấy 100đ để duy trì sự tồn tại của mình trên cõi đời này mà không cần phải làm cái gì để đổi lại. Tác động tiêu cực ở đây là hành động này sẽ khiến người ăn xin nghĩ rằng họ có thể tiếp tục sống phụ thuộc vào lòng nhân đạo của người khác mà không cần tự lực để tạo ra sản phẩm hay dịch vụ gì cho xã hội. Tư duy này gọi là tư duy ăn bám. Trong ngắn hạn việc cho tiền ăn xin là tốt, nhưng trong dài hạn thì sao? Có bao giờ bạn nghĩ về điều này?
Có nhiều cách để cải thiện xã hội, cho tiền người ăn xin chỉ là một trong vô số cách. Nhân đạo là một điều tốt. Nhưng nếu lòng nhân đạo bị lạm dụng thì trong dài hạn nó sẽ trở thành một sự cản trở để con người phát triển. Tôi không nhận xét việc cho tiền ăn xin là đúng hay sai, đó là quyết định của mỗi người. Nhưng nếu chúng ta nhìn vấn đề một cách logic và suy nghĩ dài hạn, thì lòng nhân đạo của việc cho tiền người ăn xin sẽ có nhiều hại hơn lợi.
Lần sau bạn nghĩ đến việc cho tiền người ăn xin, hãy tự hỏi mình câu hỏi trên.
0 nhận xét