Sai lầm trong quá khứ là để định hướng, không phải là định nghĩa một con người

11:34


- Lỗi lầm một phần của cuộc sống:

Nếu từng đọc Thần Cupid học yêu, bạn sẽ thấy ngay cả thần Tình yêu cũng đôi lúc hồ đồ nên làm khổ bao cặp đôi hạnh phúc.

Thần có hai loại mũi tên, một có đầu bọc chì và một bọc vàng. Nếu dùng mũi tên bọc vàng bắn vào một người, họ sẽ mê đắm đối phương. Ngược lại, nếu bắn mũi tên bọc chì, người này sẽ căm ghét người kia.

Vậy mà đôi lúc nhìn thấy một cặp ngời ngời hạnh phúc, thần nổi hứng bắn mũi tên bọc chì vào người vợ. Thế là người vợ nhìn chồng bằng ánh mắt căm ghét, khinh bỉ. Chỉ đến lúc mê đắm nàng Psyche, Cupid mới chợt nhận ra sai lầm của mình và cảm nhận được yêu là như thế nào. Từ đó, Cupid nhìn nhận lỗi lầm và hứa với nữ thần hôn nhân Cinxia sẽ không bao giờ làm điều ác độc ấy nữa.

Đến cả thần còn có lúc sai lầm, huống chi bạn là con người, sản phẩm được xem là kém hoàn thiện của tạo hóa.

Nếu nhìn theo góc độ của nhà tâm lý, bạn sẽ thấy không có ai là người hoàn hảo. Như vậy, sai lầm là không tránh khỏi. Chỉ có điều, mỗi sai lầm đều mang mức độ khác nhau về hậu quả. Có khi chúng gây ra điều đau lòng như trường hợp của Thanh Lan. Thế nhưng, đôi khi chúng chỉ gây ra những xáo trộn cuộc sống. Tùy vào mức độ ảnh hưởng mà chúng để lại những vết thương lòng nặng, nhẹ khác nhau.

Vì lẽ đó, bạn cần tự an ủi rằng: Sai lầm là một phần của cuộc sống. Hơn hết, chẳng ai muốn tạo ra sai lầm cũng như bị ám ảnh bởi quá khứ cả.

- Đó là một trải nghiệm để phát triển bản thân:

Ưu điểm thứ hai của việc tha thứ cho bản thân là bạn có cơ hội trải nghiệm và tự sửa đổi, phát triển nhận thức. Dù bài học có khắc nghiệt, nhưng đảm bảo Thanh Lan từng tự nhủ:“Nếu thời gian trở lại, mình sẽ không làm thế. Mình sẽ làm thế này, thế kia…”.

Thật ra, không cần thời gian phải quay lại, Lan vẫn có thể rút ra bài học cho lối cư xử của mình để áp dụng trong tương lai, tránh làm tổn thương người khác. Sau sai lầm chết người kia, hẳn Lan sẽ hiểu đời, hiểu người và chững chạc hơn.

Khi đã tự tha thứ cho mình, bạn có thể tự giải quyết những tổn thất do mình gây ra, cải thiện tình hình và hoàn thiện bản thân. Nếu người bị bạn gây tổn thương đã mất, hãy hướng sự yêu thương của mình vào đối tượng khác có hoàn cảnh tương tự.

Nếu đã từng làm khổ một người đàn ông, bạn hãy dành trọn tình yêu cho người hiện tại và cố khắc phục những khuyết điểm trước kia. Trong trường hợp này, ít nhất bạn cũng thể hiện mình đã trở thành người nghiêm túc. Bạn đã từng mắc sai lầm khiến người bạn chí cốt mất một khoản tiền lớn và mang tiếng là kẻ lừa bạn? Hãy quyên góp cho các tổ chức từ thiện để nhẹ lòng hơn. Nói chung, hãy nói lời xin lỗi bằng những hành động thiết thực, đầy thiện chí và với mục đích tốt đẹp.

Đặt mình vào vị trí của người “bị hại”, bạn có thể tạo ra cuộc đối thoại về điều nên và không nên làm. Chọn cách tha thứ cho bản thân, học hỏi từ những sai lầm, bạn có cơ hội phát triển một phần nhân cách. Không những thế, bạn còn có thể đánh bại những phần yếu kém của bản thân như sợ đối đầu, kém tự tin…

- Yêu bản thân

Có một câu chuyện thế này. Sau những tháng ngày rong ruổi ngoài khơi, một con tàu đã bị hàng tấn con hà bám chặt vào thân màu nên đứng trước nguy cơ bị đắm. Có nhiều cách để giải quyết vấn đề trên. Đơn giản nhất là neo tàu vào vùng nước ngọt một thời gian, các con hà sẽ chết và rơi ra. Nhìn lại, ta sẽ thấy việc tự trách mình cũng là gánh nặng, những “con hà” có khả năng đánh chìm cả một con người. Giúp bản thân trút bỏ gánh nặng cũng là cách để yêu bản thân hơn.

Một khi chúng ta không thể quay trở lại quá khứ, hãy biến nó thành một phần của ký ức, rút kinh nghiệm và bỏ nó vào trong ngăn tủ. Đừng cố đeo nó trên lưng, vì bạn sẽ không còn sức thực hiện các nhiệm vụ khác trong cuộc sống. Hãy nhớ, một trong những cách đến với hạnh phúc là biết loại bỏ ký ức xấu và hướng tới tương lai.

- Muốn quên đi, chỉ có một cách là đối mặt với nó

Các nhà tâm lý vẫn thường sử dụng cách cho bệnh nhân đối mặt với điều họ từng sợ hãi để giúp họ vượt qua nỗi ám ảnh. Cũng giống như thế, một khi bạn dám nhìn thẳng vào quá khứ, thừa nhận mình sai lầm và tự hứa không tái phạm, chắc chắn bạn sẽ sống mạnh mẽ hơn và dần chấp nhận quá khứ.

Để làm được điều này, vũ khí đầu tiên bạn cần trang bị là sự mạnh mẽ. Mỗi khi ám ảnh quá khứ tràn về, hãy hít thở thật sâu. Sau đó, bạn thỏa hiệp với bản thân, bắt tay phân tích điều được và không được trong thời điểm hiện tại nếu cứ để chuyện quá khứ khuấy cuộc sống của bạn:

Mặt được : Không có.

Mặt không được: Tự làm khổ bản thân trong khi quá khứ không thể thay đổi, hạn chế những cơ hội phía trước vì quá khứ đang khiến bạn phải “rụt đầu” vào cái “mai rùa” của sự khổ sở.

Vậy bạn nghĩ mình nên làm gì? Lời khuyên cho bạn là hãy đối mặt và chấp nhận nó dù ban đầu, trái tim bạn sẽ quặn thắt khi nhớ lại chuyện cũ. Thế nhưng, sau đó bạn sẽ thấy dễ chịu hơn vì đã vượt qua được bước đầu tiên trong việc tự tha thứ cho mình. Tiếp theo, khi đã bình tâm lại, tự khắc bạn sẽ tìm được hướng đi tiếp để tạm biệt nỗi dằn vặt.

Để làm được điều này, vũ khí đầu tiên bạn cần trang bị là sự mạnh mẽ.

- Bài thuốc cho sức khỏe

Sự giận dữ, kể cả giận dữ bản thân về những việc làm trong quá khứ, đều khiến tim và sức khỏe của bạn bị tổn thương. Hơn nữa, tinh thần mệt mỏi có thể dẫn đến trầm cảm, stress và nhiều chứng bệnh khác.

Không những thế, sự đau khổ có thể khiến bạn bỏ bê việc chăm sóc bản thân. Thậm chí một số người còn hóa điên. Vì thế, hãy biết quý trọng sức khỏe, để còn chuộc lại lỗi lầm của mình. Một trong những biện pháp hữu hiệu để tránh trầm cảm là trút hết tâm sự và cởi mở tấm lòng với người bạn tin cậy.

Quên đi để tiếp tục vui sống

Đằng nào bạn cũng đã phạm sai lầm và không thể thay đổi quá khứ. Do vậy, thay vì ngồi đó tự trách: “Giá thời gian quay lại, mình sẽ không làm thế”, bạn hãy tìm cách “sống chung với lũ”. Bằng cách đó, bạn có thể vượt qua nỗi ám ảnh và cho mình cơ hội để quên đi và tiếp tục sống vui. Dưới đây là bảy điều bạn cần áp dụng mỗi ngày:

1. Cảm xúc đau đớn, tự trách bản thân có thể tràn về bất cứ khi nào. Vì thế, bạn hãy sẵn sàng đón nhận thay vì không dám nghĩ về nó. Tốt nhất, bạn hãy tâm sự những sai lầm mình đã gây ra với ai đó đáng tin như một chuyên gia tâm lý hoặc người bạn thân.

2. Thấu hiểu mục đích của việc quên đi ký ức xấu : Tha thứ cho phép bạn cảm thấy thanh thản để sống tốt hơn trong tương lai.

3. Trách nhiệm và sự xấu hổ lúc này có thể được thay thế bằng cách cải thiện và phát triển những hành vi cư xử tốt đẹp hơn, ví dụ như giúp đỡ người khác, làm từ thiện… Dần dà, việc làm đáng xấu hổ trong quá khứ sẽ được thay thế bằng những thành tích của hiện tại.

4. Bạn cần đến một chút lý trí để nhận ra rằng vấn đề khiến mình khổ sở đến từ những cảm xúc, suy nghĩ đau đớn mình đang phải trải qua lúc này chứ không phải những gì bạn đã làm hai phút trước hay mười năm trước. Hãy đề ra quyết tâm đánh vào mục tiêu chính thay vì ngồi chĩa mũi dùi vào quá khứ.

5. Mỗi khi cảm thấy bối rối về những gì đã làm, bạn có thể tập yoga, thiền để đầu óc tĩnh lặng hoặc thư giãn nhằm xoa dịu cảm xúc đương-đầu-hay-bỏ-chạy của bản thân.

6. Học cách làm những tốt hơn là cảm thấy áy náy. Nếu bạn đã gây tổn thương cho ai đó hoặc chính mình, thay vì lặp lại những đau đớn tinh thần, hãy tìm kiếm cách để xin lỗi và sửa đổi. Đừng sợ lời xin lỗi không được chấp nhận bởi người ta “đánh kẻ chạy đi chứ không đáng người chạy lại”. Khi cần thiết, hãy phát triển những kỹ năng mới để bạn không mắc phải lỗi lầm đó lần nữa.

7. Đánh giá đúng những điều tốt bạn đang làm để cân bằng. Mỗi ngày, hãy bỏ chút thời gian để nhìn lại các cử chỉ yêu thương bạn đã làm.

You Might Also Like

0 nhận xét